ct1Địa chỉ: Xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.

Tel: 0946 730 728

Nằm cách Hà Nội chừng 80 km, cách trung tâm huyện 9km quần thể danh thắng Chùa Tiên là một địa chỉ du lịch được nhiều người biết tới. Nơi đây vẫn giữ được những nét nguyên sơ hiếm có của một thung lũng giữa đại ngàn với những đồi núi xanh mướt, những động thạch nhũ kỳ ảo.

Vào xuân, mùa trẩy hội của du lịch Chùa Tiên, Phú Lão, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình. Lễ hội chính được tổ chức vào 3 ngày: 4 - 6 tháng Giêng và kéo dài cho đến hết tháng Ba âm lịch. Lễ hội Chùa Tiên vốn có từ thời xa xưa và nay đã trở thành nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm lễ hội lại được tổ chức quy mô hơn, đông vui hơn, du khách bốn phương tìm về nhiều hơn. Gọi là lễ hội Chùa Tiên, nhưng đây là lễ hội chung cho cả khu di tích mà địa điểm chính được đặt ở Chùa Tiên.

Đến với Quần thể di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh hang động Chùa Tiên, là đến với tín ngưỡng tâm linh của người Việt, du khách sẽ được tìm hiểu về Phong tục thờ Mẫu, qua các di tích lịch sử như  Đền Trình, Đền Mẫu, Chùa Tiên và các hang động được mang tên các vị thánh trong tín ngưỡng thờ Tứ phủ, đồng thời khám phá những hang động còn lưu giữ những dấu vết của người Việt cổ như động Tiên, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng những bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng trong các hang động như hình Rồng ấp trứng, Bầu sữa mẹ, trái đào tiên, mâm xôi, hình ông tiên, hình con rùa, con voi…. được chiêm ngưỡng từng đàn cò trắng dập dờn bay lượn trên cánh đồng bát ngát màu xanh, được chiêm ngưỡng các thôn nữ thướt tha, duyên dáng trong trang phục truyền thống cổ truyền của dân tộc Mường được gặp những chàng trai Mường hân hoan trong điệu cồng đón khách.

Đến với lễ hội Chùa Tiên, du khách sẽ được thưởng thức một di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Những chiếc kiệu như từ truyền thuyết đi ra, như từ dã sử xuất hiện, vừa lạ vừa quen, vừa cổ xưa, vừa mới mẻ, vừa bình dị vừa thiêng liêng. Những chiếc kiệu Thành hoàng làng là trung tâm của đám rước, được khiêng trên đôi vai của các nam thanh nữ tú dân tộc Mường. Chiếc kiệu được rước trên những đôi vai của niềm tin, của lòng thành kính và của những ước mong. Kiệu Thành hoàng có thể đi, có thể chạy, có thể bay khi có niềm tin và niềm tin thăng hoa.

ct2

Theo các sắc phong hiện còn được lưu giữ tại di tích do các triều vua phong tặng: Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909), Khải Định thứ 9 (1924) sắc chỉ cho xã Nhượng Lão (nay là xã Phú Lão) thì các vị thần được thờ tại cụm di tích là Tam vị Tản viên và tứ vị Thánh Nương. Các vị này đều được phong là Thượng đẳng thần.

Quần thể khu di tích Chùa Tiên xã Phú Lão bao gồm hơn 20 điểm di tích gồm nhiều loại hình như di tích lịch sử văn hoá, khảo cổ, thắng cảnh như: Đền Trình, Đền Mẫu, Động Thuỷ Tiên, Thung lũng tình yêu, Động giải oan, suối vàng, suối bạc, động Cô Chín, động Ông Hoàng Bảy, Động Châu Sơn, Động Tam Toà, Đình Trung, Chùa Tiên... thăm hệ sinh thái thực vật, được bơi thuyền trên hồ đập Rập Bếch Bai Côm....quần thể di tích này toạ lạc trong thung lũng của hai thôn Lão Nội và Lão Ngoại xã Phú Lão, xung quanh được che chắn bởi hai dãy núi trải dài như hai con rồng khổng lồ như đang muốn vươn mình tới trời xanh.

Đến nơi đây du khách như được trở về với cội nguồn, được hòa mình với mây trời sắc núi, để rồi như cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản. Một ngày không xa khi tuyến cáp treo nối liền quần thể di tích Chùa Tiên với Chùa Hương chắc chắn nơi đây sẽ là điểm hội tụ thỏa mãn nhu cầu du khách./

                                                                             Phòng Nghiệp vụ Du lịch