dt1Ẩn giấu trong khu vực quần thể di tích Chùa Tiên có một khu vườn đặc biệt được gọi là Thung lũng tình yêu.

Thung lũng là sự giao thoa của hai mỏm núi phía sau Đền Mẫu. Từ Đền Mẫu, qua một quèn núi nhỏ với gần 100 bậc đá, du khách sẽ đến được với thung lũng tình yêu. Nơi đây như một cánh rừng thưa với nhiều loài cây lạ với hoa thơm quả ngọt. Những tán cây lưu niên dang cành, che bóng đan xen vào nhau như che chở cho các tình yêu có cơ hội được trao tình. Nhưng có một điều khá lạ ở nơi đây đó là cái gì cũng khẽ.Các cơn gió đang gầm gào trên những ngọi núi nhưng khi vào đến thung lũng tình yêu, đột nhiên sự gầm gào biến mất mà như biến thành các nàng gió nhẹ nhàng vờn trên các tán lá, cây cối chỉ hơi khẽ đung đưa. Những bông hoa rừng gợi nhớ, gợi thương làm nao nao một miền ký ức. Hương hoa mơn man theo từng ngọn gió, tha thiết trong tiếng ai đó đang gọi người thương. Ríu rít, lích chích là những tiếng chim gọi bạn cặp đôi xanh trong vòm lá, không gian dìu dịu, yên ả. Và đến cả các du khách khi vào tới nơi đây, ai cũng nhấc bước nhẹ nhàng, nhẹ nhàng lắng nghe. Trong tiếng gió mơn man trên những nhành cây hình như lời thương của ai đó từ xa lắm, từ lâu lắm lại vọng về đánh thức miền thương, miền nhớ một thời. Du khách càng đi, càng như lạc vào thung lũng tình yêu mà chẳng ai muốn quay về. Đi sâu vào bên trong du khách sẽ được lạc vào động Thủy Tiên. Đây là hang động khá đặc biệt của khu vực này.

Đến thăm Hòa Bình, đến thăm Phú Lão Lạc Thủy, du khách được chiêm ngưỡng những dãy núi hùng vĩ, với những triền đá nhấp nhô. Đến thăm động Thủy Tiên, du khách sẽ bất ngờ khi được du thủy ngay trong hành trình du sơn. 

Theo nghĩa Hán Việt, Thủy tiên là dòng nước tiên chảy trong động. Tên của động đã gắn liền với truyền thuyết về một nàng tiên nữ. Truyện kể rằng nàng là Ngọc Nữ trên trời, một lần vén màn mây ngọc nhìn xuống trần gian thấy nơi đây cảnh đẹp mê hồn nàng đã không kìm nổi lòng mình vi phạm thiên qui trốn vua cha Ngọc hoàng xuống trần gian vui cảnh non nước thanh bình nơi đây, Nàng thăm thú nhiều nơi rồi vào động Thủy Tiên tắm mát. Nàng thấm mệt và ngủ quên tại động không biết giờ về thượng giới. Khi vua cha phát hiện con gái yêu của mình vi phạm thiên qui mặc dù rất yêu thương con nhưng vẫn phải trị tội con gái theo quy định của phép nhà trời đã hóa phép biến con thành đá trong lúc nàng còn đang trong giấc mộng  và chú rằng: khi có một chàng trai đến đánh thức làm rung động con tim của con thì lúc đó con mới được tỉnh giấc. Nàng đã đợi không biết bao nhiêu thời gian và đang đợi một con tim cùng chung nhịp đập nhưng từ đó đến nay chưa ai đánh thức được nàng dậy. Nàng ngủ đầu gác lên chiếc võng đào, thân nàng được đắp lên một chiếc chăn nhung lộng lẫy phía bên là  hình tượng rèm buông trước cửa cung như để tránh nắng chắn sương cho nàng trong những ngày đông tháng nắng và tránh những ánh mắt tò mò của bao kẻ si mê nàng mà không làm được trái tim nàng rung động để giữ yên giấc ngủ của nàng. Trên vách kia vẫn còn bàn tay xinh xắn của nàng in dấu trên đá trước khi nàng chìm vào giấc ngủ ngàn thu của nàng. Từ đó động này được gọi là động Thủy Tiên.

Hiện nay trên vách động phía gần cửa vào vẫn còn khối nhũ lớn mang dáng dấp của nàng tiên đang ngủ. Nhưng có lẽ do thời gian trôi qua đã quá lâu rồi kể từ ngày nàng ngủ quên, nên xiêm y và chăn đệm của nàng đã phôi pha hay nhuốm màu bạc xám của thời gian.

Cạnh nàng tiên có khối nhũ khá lớn mang dáng dấp của chú sư tử hùng dũng đang ngồi canh cho giấc ngủ bình yên của nàng tiên nữ, bên kia có voi chầu để đợi ngày nàng tiên thức tỉnh. Sư tử thể hiện cho sức mạnh và lòng can đảm thì voi thể hiện cho sự khoan dung, tính thủy chung sự chín chắn. Hai sức mạnh đó hợp nhất với nhau sẽ ra một người đàn ông hoàn chỉnh không biết đây có phải là sự giải mã của lời nguyền hay không?

Động Thuỷ Tiên nằm trong lòng núi đá Thung An. Động có chiều dài tới 200m (kể cả các ngách). Lòng động nơi rộng nhất 7m; hẹp nhất 0,5m. Vòm trần cao từ 3m đến 8m; nơi thấp nhất 0,5m. Không khí trong động mát mẻ về mùa hè và ấm áp về mùa đông, rất dễ chịu với du khách sau chuyến vất vả leo núi.

dt1

Trong lòng động, bên vách phải có con suối chảy xuyên sâu vào trong. Con suối này được bắt nguồn từ suối Khóm Tranh, chảy vào Động Mẫu Long rồi luồn chảy vào Động Thủy Tiên (từ Động Mẫu Long sang tới động Thủy Tiên khoảng cách kéo dài khoảng hơn 100m), từ Động Thủy Tiên dòng suối lại chảy ngầm sâu xuyên lòng núi rồi lại đổ ra cánh đồng phía sau. Con suối với dòng nước trong veo, nhìn rõ cả những viên đá cuội như đang tung tăng chơi đùa dưới lòng suối, làn nước nhẹ nhàng uốn lượn chảy xuôi vào bên trong. Mực nước không sâu lắm, độ sâu từ 0,5m đến 1m, lòng suối có chiều rộng từ 3m đến 5m, dài hun hút len lỏi trong lòng động.

Điều làm du khách ngạc nhiên nơi đây đó là trong lòng động, dọc theo hai bên bờ suối, rất nhiều khối thạch nhũ được mọc lên kỳ ảo. Theo truyền thuyết thì nơi nào có nàng Ngọc Nữ đi qua, nơi đó lại bừng nở lên một chùm hoa thạch nhũ. Phải chăng vẻ đẹp của nàng đã làm cho đến đá cũng phải xôn xao.

Động Thủy Tiên được chia làm hai ngăn chính. Ngăn ngoài trải dài tới gần 50m, lối đi dễ dàng thuận lợi, vòm trần tương đối bằng phẳng và không cao lắm chỉ khoảng hơn 2m.

Tại ngăn này tạo hóa đã sắp đặt các khối nhũ rất lạ: trong khi trên vòm trần, các dải nhũ khá nhỏ khiêm tốn nem nép ép mình sát vòm trần hang như sợ sệt điều gì, thì dưới nền hang các khối nhũ khá lớn, vươn mình vững chãi khoe vẻ đẹp trời ban.

Lửng lơ bên vách phải một khối nhũ khá lớn mang dáng dấp của bông hoa khổng lồ đang hé nở. Thật lạ vì đài hoa thì nằm bên trên mà cánh hoa thì hướng xuống bên dưới. Phải chăng vì e thẹn nên hoa cứ cúi mình giấu vẻ đẹp đi.

Đi tiếp khoảng mươi mét sẽ hiện ra cả khối nhũ đầy ăm ắp cao tới sát vòm động. Nửa phía trước, khối nhũ có màu vàng rực của cánh đồng lúa đến kỳ thu hoạch. Nửa phía sau thì trắng xóa như đụn gạo vừa xay xát đang chờ đợi để dâng cho đời nguồn ngọc thực của trời ban.

Phía sau đụn vàng ánh sáng mờ ảo le lói hắt lên như đang ẩn giấu điều gì. Trí tò mò thúc đẩy du khách bước vào bên trong.

 dt

Nhũ đá trong lòng hang động Thủy tiên

                Dưới nền hang, nước từ vòm trần rỏ xuống từ hàng triệu năm nay tạo thành ao hồ nho nhỏ. Nước cứ rỏ từ ngàn năm này qua ngàn năm khác. Tới những mùa mưa nước chảy nhiều hơn tạo nên các con sóng xô bờ, và tại các bờ ao hồ nhỏ đó, tinh túy của đá hòa với nước rỏ xuống tạo nên các bờ đá nổi vân uốn lượn như con rồng mẹ đang chơi đùa cùng những chú rồng con. Trong lòng ao nho nhỏ đó những quả đá sù sì như những quả trứng rồng - hiệu báo của một đàn  Thanh Long (rồng xanh) đang sắp được chào đời.

Nhìn sang vách trái của động một quả đào tiên đặc biệt. Một khối nhũ hình tròn hệt như quả đào treo bên vách động rủ kín lòng suối. Quả đào căng tròn và hấp dẫn do sữa của đá hay được hàng ngày uống nguồn nước mát từ dòng suối Tiên. Nhấp nhô dưới lòng suối, ngay bên dưới quả đào tiên, một hình thù kỳ lạ như con vật nào đó muốn lăm le ăn trộm đào tiên. Khi ánh đèn rọi tới, nhìn kỹ đó là khối nhũ đá mang hình đầu con cá chép đang muốn vượt vũ môn. Nửa phần đầu của lý trí đã vượt lên khỏi mặt nước muốn quyết chí hóa rồng. Nhưng nửa phần thân dưới vẫn còn lưu luyến cuộc sống của thủy cung nên chưa dời nổi khỏi mặt nước.

Dọc bên bờ suối, những khối nhũ mọc lên, rủ xuống với nhiều hình thù kỳ lạ, khiến ta liên tưởng tới những cây hoa rừng đang bừng nở đón chào du khách.

Ngăn cách giữa ngăn ngoài và ngăn trong là những khối nhũ lớn, sừng sững  như bức tường thành chắn ngang lòng hang. Nhưng tạo hóa thật công bằng khi giữa bức tường thành đó vẫn mở ra một lối đi nho nhỏ để du khách có thể vào được bên trong. Lối đi nhỏ hẹp hệt như địa đạo thời kháng chiến.

Băng qua địa đạo, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bí mật ẩn sâu bên trong. Nếu ở ngăn ngoài nhũ đá thường đứng đơn lẻ, thì tại ngăn trong các khối nhũ được liên kết với nhau thành nhiều chùm, nhiều dải, nhiều cụm và nhiều giàn. Tất cả những cụm, những chùm, những giải, những giàn đó lại liên kết với nhau tạo cho nơi đây như một rừng thạch nhũ. Nhũ từ lòng hang mọc lên, nhũ từ vòm trần rủ xuống, nhũ từ hai vách đua ra. Thoạt nhìn ngỡ như được lạc vào một vườn hoa quả lạ của tiên giới.

 dt2

Một góc quang cảnh lòng hang động Thủy Tiên

Điều đặc biệt nhất ở ngăn trong này đó là từ vòm trần, nhũ kết tạo thành từng giàn đua nhau rủ xuống. Có điều lạ ở đây là chúng không vươn dài, cũng không  xòe tán. Chúng tròn tròn, nho nhỏ như những trái quả đến ngày thu hoạch. Những chùm nọ nối tiếp chùm kia, tầng tầng, lớp lớp, tạo thành giàn quả sai lúc lỉu, báo hiệu một mùa vàng bội thu. Trước mắt của du khách, những chùm quả sù sì mang hình dáng của những củ nhân sâm kỳ lạ. Nhân sâm - nguồn dược liệu quý giá mà các tiên lão thường dùng để luyện lên các viên Hoàn Đan, uống vào được trường sinh bất tử. Có lẽ đây là vườn thuốc tiên của thượng giới ban cho chốn trần gian. Nhũng giọt nước từ các chùm nhân sâm được vắt ra từ sự kết tinh của thuốc quý nếu rơi vào quý khách sẽ là điềm may mắn được trời ban về sức khỏe.

dt3

Đi vào sâu bên trong, dưới nền hang đột ngột hiện ra một vườn thạch nhũ như vườn nhân sâm đang được cấy trồng, gần đó là giếng ngọc. Giếng nước này là nơi tụ lại ngàn vạn giọt mồ hôi của đá vắt lòng mình chảy xuống để chăm bón cho vườn nhân sâm quý giá này.

Trong cùng của hang, ta nghe tiếng suối reo, nước hát rì rầm róc rách, róc rách. Mải ngắm giàn nhân sâm, ta quên mất dòng suối vẫn theo ta chảy từ ngoài vào. Hình như dòng suối sợ mọi người lãng quên đã cất lên tiếng hát. Tiếng róc rách reo vui như lời chào tạm biệt du khách hẹn lần sau gặp lại./.

                                                                                                                                            Nguyễn Thị Thi