(HBĐT) - Được ví như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, có điểm nhấn là quần thể di tích tâm linh Thác Bờ, từ nhiều năm qua, hồ Hòa Bình đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách. Thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, tháng 6/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia. Từ đây, công tác đầu tư, tôn tạo di tích, phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm nhiều hơn, góp phần mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình.
dt 21220201611 z2
Đền Thác Bờ thuộc khu du lịch hồ Hòa Bình tấp nập tàu thuyền trong mùa lễ hội. 
       
  Sát sao để thúc đẩy tiến độ cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435     
 
Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1644/QĐ-UBND, ngày 30/8/2017, tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020. Tổng chiều dài toàn tuyến đã điều chỉnh là 21,18 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III - miền núi: điểm đầu tại ngã ba Bình Thanh đi Thung Nai, huyện Cao Phong, điểm cuối thuộc địa phận xóm Liêm, xã Ngòi Hoa, nay là xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc.
Đồng chí  Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Đường 435 là tuyến đường độc đạo kết nối quốc lộ 6 tới cảng Bình Thanh, cảng Thung Nai và trung tâm các xã khó khăn của huyện Cao Phong, Tân Lạc vào khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng kết nối giữa phương thức vận tải đường bộ và vận tải đường thủy nội địa, góp phần phát triển vận tải thủy nội địa khu vực hồ sông Đà. Dự kiến khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội lớn thu hút đầu tư xây dựng các cảng vận tải, các dự án đầu tư vào hồ Hòa Bình, tăng quy mô và nâng cao chất lượng vận tải dịch vụ, thúc đẩy kinh tế hàng hóa, dịch vụ du lịch trên vùng hồ. Dự án có thiết kế hạng mục đầu tư xây dựng cảng vịnh Ngòi Hoa theo tiêu chuẩn cấp II, với các công trình như nhà chờ khách, nhà điều hành, bãi đỗ xe, hệ thống điện chiếu sáng… đủ năng lực đón 12 vạn khách/năm, tàu tải trọng 300 khách tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến thăm quan, thu hút các dự án đầu tư vào vùng lõi của hồ Hòa Bình.
 
Con đường được mở với những kỳ vọng lớn, nhưng điều kiện địa hình núi cao, địa chất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở… nên việc thi công gặp nhiều khó khăn. Hiện, nhà thầu đang tổ chức 9 mũi thi công trên toàn tuyến, tập trung chủ yếu các hạng mục chính như: đào, đắp nền đường; thi công cầu số 1 tại km8+060; cầu số 2 tại km9+778; thi công móng đường, hệ thống thoát nước, tường chắn, thảm bê tông nhựa C19 và cảng Ngòi Hoa. Để đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ, trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra nhằm đốc thúc việc thi công, đảm bảo thông xe trước tháng 6/2020.
 
Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy vùng hồ
 
Dẫu đang ở tầm quy hoạch khu du lịch cấp quốc gia, nhưng từ lâu, hồ Hòa Bình đã được biết đến là điểm du lịch hấp dẫn. Trung bình mỗi năm, khu du lịch hồ Hòa Bình đón hàng trăm nghìn lượt khách tới thăm quan, thưởng ngoạn, trẩy hội trên quần thể di tích Thác Bờ. Theo thống kê của Sở GTVT, hiện có 269 phương tiện thủy nội địa thường xuyên hoạt động vận chuyển hành khách trên địa bàn lòng hồ Hòa Bình (trong đó có 33 phương tiện vừa chở hàng vừa chở khách). Dự kiến mật độ phương tiện phục vụ vận tải đường thủy trên tuyến hồ Hòa Bình còn tăng cao, tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành quy hoạch 40 bến thủy nội địa trên hồ Hòa Bình thuộc các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, gồm 15 bến hành khách và 25 bến tổng hợp, chủ yếu là các bến chợ (vừa xếp dỡ hàng vừa đón trả khách). Đồng thời quy hoạch 5 cảng, gồm: cảng vịnh Ngoài Hoa; cảng Ba Cấp; cảng Bích Hạ; cảng Thung Nai và cảng đảo Sung.
 
Để đảm bảo ATGT trên vùng hồ Hòa Bình, cùng với việc quy hoạch đầu tư, tôn tạo cảng, bến, bãi, công tác quản lý phương tiện được đặc biệt quan tâm. Chuẩn bị cho mùa lễ hội 2020, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với UBND TP Hòa Bình, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II tại Hòa Bình và Đội Thanh tra đường thủy nội địa kiểm tra công tác đảm bảo trật tự ATGT trên tuyến hồ Hòa Bình. Qua kiểm tra đã đình chỉ hoạt động 38 phương tiện không đủ điều kiện hoạt động; yêu cầu hoàn thiện hồ sơ giấy tờ theo quy định trước khi hoạt động vận tải hành khách. Kiểm tra 2 bến cảng du lịch chính là cảng Bích Hạ và cảng Thung Nai, đoàn kiểm tra ghi nhận có đủ giấy phép hoạt động; có thiết bị đảm bảo an toàn theo yêu cầu quy định; có bảng nội quy cảng, báo hiệu cảng theo quy định; thiết bị chiếu sáng đảm bảo. Tuy nhiên, tại 2 bến cảng, công tác vệ sinh chưa đảm bảo; đường lên xuống từ cầu, trạm barie xuống bến, xuống tàu xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cho việc đi lại của người dân, du khách. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã yêu cầu chủ bến khắc phục, đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người dân và du khách.
 
Góp phần đảm bảo ATGT trên tuyến đường thủy nội địa, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm ATGT trên tuyến hồ Hòa Bình. 
 
Với sự chỉ đạo xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương doanh nghiệp và người dân, công tác đảm bảo ATGT phục vụ phát triển du lịch hồ Hòa Bình đã và đang được triển khai tích cực. Qua đó, góp phần mở rộng thêm những cung đường đón du khách đến với khu du lịch hồ Hòa Bình.
 
Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố của tỉnh. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha, 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha. Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng, khu vực hồ có nền văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc như: Mường, Tày, Dao, Thái, là cơ hội lớn để phát triển các loại hình du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Hồ Hòa Bình có những địa chỉ tâm linh nổi tiếng như: đền Thác Bờ, đền Cô, đền Cậu, bia Vua Lê... có giá trị văn hóa - tâm linh sâu sắc, đã trở thành điểm đến hành hương cho du khách gần xa. Hiện, tỉnh đang thực hiện các bước đầu tư, tôn tạo để khu du lịch hồ Hòa Bình sớm đáp ứng các tiêu chí khu du lịch quốc gia.
 
Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 phục vụ phát triển KT-XH và du lịch hồ Hòa Bình. 
 
 Thúy Hằng
(HBĐT) - Huyện Tân Lạc được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều cảnh đẹp hùng vĩ cùng với sự độc đáo trong văn hóa Mường Bi tạo nên sức hút diệu kỳ đối với khách du lịch. Ngoài ra, huyện luôn quan tâm quảng bá hình ảnh du lịch trên phương tiện thông tin đại chúng. Tập trung chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của địa phương.
dt 3320201558 a
Khách du lịch trải nghiệm chèo bè mảng tại bản Ngòi, xã Ngòi Hoa (nay là xã Suối Hoa) huyện Tân Lạc.
Đầu năm 2019, huyện Tân Lạc được tổ chức phi Chính phủ AOP đầu tư phát triển du lịch cộng đồng  với khoảng 458.665.000 đồng. Đến nay, dự án được triển khai tại 2 điểm du lịch cộng đồng xã Phú Cường và xã Nam Sơn (nay là xã Vân Sơn). Sau một thời gian hoạt động dự án đã tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây. Từ sự hỗ trợ của tổ chức AOP 3 hộ gia đình trong xóm Chiến, xã Nam Sơn được hỗ trợ nguồn vốn vay để chỉnh trang nhà cửa; tham gia tập huấn về kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Không chỉ có vậy, dự án còn hỗ trợ xây dựng cửa hàng tiện ích để phục vụ người dân bán hàng. Cuối tháng 7/2019, điểm du lịch cộng đồng xóm Chiến chính thức hoạt động. Đến nay, điểm du lịch thu hút hàng nghìn du khách tới thăm quan, khám phá đem lại lợi nhuận cao gấp vài lần so với làm nông nghiệp cho người dân.
 
Đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng Phòng VH-TT huyện cho biết: Tính đến nay, trên địa bàn huyện thu hút được 10 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Trong đó có 5 dự án được UBND tỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư. Ngoài ra, 5 dự án còn lại đang trong quá trình thẩm định, xin ý kiến và trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Huyện không có dự án nào chậm tiến độ đầu tư. Tất cả các dự án đều có quy mô, nguồn vốn khá cao, hoạt động của dự án xây dựng trong vùng rộng, khả năng đáp ứng nhu cầu về nghỉ dưỡng chất lượng cao cho khách du lịch. 
 
Các dự án đã được tỉnh phê duyệt gồm: Dự án Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Hồ Hòa Bình tại xã Ngòi Hoa (nay là xã Suối Hoa) của Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng dự kiến số vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên thung lũng mây tại xã Quyết Chiến của Công ty cổ phần nông nghiệp sạch Hòa Bình dự kiến số vốn trên 130 tỷ đồng; Dự án khu du lịch sinh thái và tâm linh Thung Khe tại xã Phú Cường của Công ty cổ phần Cát Tường Thiên dự kiến số vốn gần 300 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa của Công ty cổ phần đầu tư năng lượng - xây dựng - thương mại Hoàng Sơn dự kiến số vốn trên  474 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thài V’Star - Ngòi Hoa tại xã Ngòi Hoa của Công ty cổ phần V’Star dự kiến số vốn 125 tỷ đồng.
 
Các dự án đang trong quá trình thẩm định, xin ý kiến và trình phê duyệt chủ trương đầu tư: Dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa tại xã Ngòi Hoa, của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoshi Việt Nam; Dự án bảo vệ rừng kết hợp nghỉ dưỡng tại huyện Mai Châu và huyện Tân Lạc của Công ty TNHH một thành viên Gia Ngân; Dự án xây dựng bản du lịch văn hóa cộng đồng dân tộc Mường tại xóm Ngòi của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hòa Bình; Dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Gươm - Sông Đà của Công ty cổ phần tập đoàn Hồ Gươm dự kiến số vốn 450 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch sinh thái thung lũng Đào Hoa tại xã Ngòi Hoa của Công ty cổ phần nông nghiệp sạch Hòa Bình dự kiến vốn 150 tỷ đồng.
 
Huyện Tân Lạc đã và đang tích cực thu hút, kêu gọi nhà đầu tư trong lĩnh vực du dịch. Bên cạnh đó, huyện thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về du lịch, nguồn nhân lực phục vụ du lịch được nâng cao; công tác tuyên truyền quảng bá được đẩy mạnh, nhận thức của người dân về du lịch đã có chuyển biến tích cực. Ngành du lịch của huyện Tân Lạc từng bước khởi sắc phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2019, tổng  khách du lịch đến Tân Lạc là 130.658 lượt khách, đạt 106,5% kế hoạch tỉnh giao (tăng 24.192 lượt khách so với năm 2018). Trong đó, khách quốc tế 4.506 lượt; khách nội địa 125.652 lượt. Tổng thu nhập du lịch đạt 45.025 triệu đồng, đạt 100,6% kế hoạch tỉnh giao.
 
Thu Thủy