- Chuyên mục: Khu điểm du lịch
- Lượt xem: 508
- Viết bởi Super User
Tây Bắc là một vùng rộng lớn của Việt Nam bao gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai và Yên Bái. Đây là nơi có những nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn rất đa dạng và phong phú với cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, văn hóa đặc sắc, lịch sử hào hùng để phát triển du lịch. Bên cạnh đó một số tỉnh Tây Bắc còn tiếp giáp với các tỉnh Hà Giang và Phú Thọ đã tạo nên một vùng cung Tây Bắc mở rộng với các sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn của từng địa phương thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Mùa vàng trên một khu ruộng bậc thang của Vùng Tây Bắc hùng vỹ
Hòa Bình là tỉnh miền núi nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng thủ đô, trung tâm du lịch quan trọng của cả nước. Có tuyến đường bộ quốc lộ 6 và đường thủy trên sông Đà chảy qua thuận lợi cho phát triển du lịch. Hòa Bình là một vùng đất cổ, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông với những giá trị nhân văn đa dạng, phong phú. Nơi được đặt tên cho nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng, quê hương của Sử thi “Đẻ đất - Đẻ nước”; với hơn 100 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đây còn là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của các dân tộc cùng với những lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc gắn với nông nghiệp nổi tiếng như: Lễ hội Chiêng người Mường, Lễ hội Chùa Tiên, Lễ hội Khai hạ Mường Bi, Lễ hội Đền Bờ, Lễ hội Xên Mường người Thái...
Tài nguyên thiên nhiên Hòa Bình rất phong phú, địa hình đồi núi hùng vĩ với nhiều hang động đá vôi đẹp như: Quần thể hang động Núi đầu Rồng, huyện Cao Phong; quần thể hang động khu di tích Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy; động Ngòi Hoa và động Nam Sơn huyện Tân Lạc; động Trung Sơn, huyện Lương Sơn,... Các Khu bảo tồn thiên nhiên nơi có những loài động, thực vật quý còn được bảo tồn và đang được khai thác những tuyến du lịch mạo hiểm như: dù lượn, leo núi, du lịch giải trí đi bộ, tắm suối. Đặc biệt, hồ Hòa Bình - nơi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là Khu du lịch quốc gia có diện tích mặt nước khoảng 8.000 ha, dung tích gần 9,5 tỷ m3, với hàng trăm đảo nổi và bán đảo tạo nên phong cảnh non nước hữu tình.... là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch.
Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, với vị trí địa lý tiếp cận với Hà Nội và các tỉnh trong khu vực Tây Bắc nhờ hệ thống giao thông thuận lợi cùng với lợi thế về tài nguyên tự nhiên và nhân văn Hòa Bình có điều kiện, cơ hội để phát triển du lịch. Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, du lịch tỉnh Hòa Bình đã tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn. Hiện nay tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được nhiều các loại hình du lịch cụ thể như sau:
Đối với loại hình Du lịch văn hóa tâm linh: Tỉnh Hòa Bình đã có những điểm du lịch tâm linh như đền Thác Bờ và động Thác Bờ trên Khu du lịch hồ Hòa Bình; Quần thể di tích hang động núi đầu rồng và đền Thượng Bồng Lai thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong; Quần thể hang động khu vực Chùa Tiên xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy)…
Đối với loại hình Du lịch cộng đồng: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều các điểm du lịch cộng đồng với hơn 300 homestay như bản Lác, bản Văn, bản Poom Coọng, bản Bước, bản Hịch trên địa bàn huyện Mai Châu; bản Ngòi, bản Ải, bản Chiến triên địa bàn huyện Tân Lạc; bản Ké, bản Sưng, bản Đá Bia thuộc huyện Đà Bắc. Đây là các bản của người dân tộc Mường, Thái, Dao và Mông còn giữ gìn được từ kiến trúc cảnh quan đến phong tục tập quán lối sống đang thu hút được nhiều du khách quốc tế đến tham quan, nghỉ ngơi và trải nghiệm cuộc sống cùng với bà con địa phương.
Đối với loại hình Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng: Hòa Bình đã có hơn 70 điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đặc sắc hấp dẫn: Mai Chau Hide away, Mai Châu Ecolodge, Bakhan Village Resort, Avana retreat tại huyện Mai Châu; Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Dụ và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Sun set tại huyện Lương Sơn; An Lạc Farm, V’resort và Serena Resort huyện Kim Bôi... Đây là những khu nghỉ dưỡng sinh thái tương đối cao cấp, có cảnh quan thiên nhiên khí hậu trong lành đáp ứng nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng của nhiều du khách.
Mai Châu Hide away một điểm nghỉ dưỡng sinh thái hấp dẫn
trên Khu du lịch hồ Hòa Bình
Đối với loại hình lịch thể thao: Tỉnh Hòa Bình đã có 2 sân golf đạt tiêu tiêu chuẩn quốc tế gồm sân Golf Phượng Hoàng 54 lỗ tại huyện Lương Sơn và sân Hilltop Valley Golf Club 18 lỗ tại thành phố Hòa Bình thu hút được nhiều du khách chơi golf; đặc biệt đã tổ chức nhiều giải golf trong nước và quốc tế. Tỉnh có một số điểm bay dù lượn tại xã Phúc Tiến, thành phố Hòa Bình và điểm bay tại Bái Nhạ thuộc huyện Lạc Sơn. Trên Khu du lịch hồ Hòa Bình đã có khu công viên nước tại xóm Ngòi, xã Suối Hoa với trên 130 trò chơi có các các loại xuồng, mô tô nước, thuyền cao tốc chất lượng cao thu hút được nhiều du khách.
Trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, xu hướng liên kết là một quy luật tất yếu của sự phát triển. Liên kết chính là phương châm cho sự phát triển du lịch trong giai đoạn tới nhằm đón đầu xu hướng thế giới dịch chuyển nguồn khách du lịch từ châu Âu sang châu Á. Việc liên kết vùng khiến sản phẩm du lịch có thể tận dụng được nhiều thế mạnh, nâng cao tính cạnh tranh và có độ bền vững cao. Tuy nhiên, việc liên kết vùng trong du lịch yêu cầu các thành phần liên kết cần thuận lợi về không gian lãnh thổ và điểm tương đồng về tài nguyên để có thể phát huy điểm mạnh và tận dụng tối đa các tài nguyên du lịch cũng như cơ sở vật chất đáp ứng cho sản phẩm du lịch. Để phát huy lợi thế, vai trò của Tỉnh Hòa Bình nằm ở cửa ngõ Tây Bắc trong hình thành tuyến liên kết sản phẩm du lịch các tỉnh Tây Bắc mở rộng và vòng cung Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch thì đã và đang thực hiện một số nội dung công việc cụ thể như sau:
Thứ nhất: Xác định được các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế có nhu cầu đến tỉnh Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng; Đối với thị trường nội địa, tập trung vào thị trường khách đến từ thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh tỉnh, thành khu vực Bắc bộ có số lượng lớn du khách muốn đến các tỉnh Tây Bắc. Đối với thị trường khách quốc tế, tập trung khai thác các thị trường truyền thống là các nước thuộc EU; mở rộng thị trường khác như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường Asean.
Thứ hai: Hòa Bình tập trung xây dựng xây dựng sản phẩm đa dạng mang tính cạnh tranh để thu hút mọi đối tượng khách.
Dựa vào lợi thế tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, vị trí là nơi trung chuyển khách từ Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ lên cung đường Tây Bắc rộng lớn, tỉnh Hòa Bình đã và đang xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với mọi đối tượng khách, từ bình dân đến cao cấp. Các khu du lịch như Khu du lịch Hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu đã đầu tư nhiều loại hình du lịch như du lich sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao. Hòa Bình đã có những điểm đến, đặc trưng để thu hút khách theo các tuyến như: hai sân Golf Phượng Hoàng (huyện Lương Sơn) và sân Hilltop Valley Golf Club (thành phố Hòa Bình); Một số điểm sinh thái đến trên khu du lịch hồ Hòa Bình thuộc huyện Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc thì có các khu nghỉ dưỡng, điểm vui chơi khám phá như: Công viên di sản các nhà Khoa học Việt Nam, công viên nước trên hồ Hòa Bình, các điểm di tích Đền Bờ, động Thác Bờ, Mai Đà Resort, Mai Chau Hideaway, Ba Khan Village Resort; Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Kim Bôi hiện đã có V’Resort, Serena Resort...;
Thứ ba: Hòa Bình đã xây dựng các chương trình du lịch cụ thể để kết nối với các tỉnh vùng Tây Bắc
Xây dựng các Chương trình du lịch riêng dành cho khách quốc tế và khách nội địa; trong đó xây dựng cả tuyến du lịch đường bộ và đường thủy trên sông Đà. Xây dựng các Chương trình du lịch chuyên đề: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Trong đó đã phối hợp với các tỉnh Tây Bắc mở rộng để lựa chọn các điểm đến cũng như các sản phẩm du lịch của các tỉnh và tổ chức chuyến khảo sát mời các công ty lữ hành tham dự.
Thứ tư: Với vai trò là tỉnh của ngõ phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, tỉnh Hòa Bình đang đầu tư nghiên cứu quy hoạch vùng và quy hoạch các điểm, tuyến du lịch của tỉnh, từ đó tìm và tạo ra sản phẩm du lịch có chất lượng, mang bản sắc riêng của địa phương để xây dựng thế mạnh liên kết. Các khu, điểm du lịch cần được quy hoạch thống nhất, không xây dựng tràn lan, tránh sự trùng lặp về sản phẩm du lịch. Trong mỗi khu du lịch cần phát huy tài nguyên du lịch riêng, sắc thái riêng của từng địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù. Hòa Bình đang phấn đấu đến năm 2030, phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc.