Tây Bắc là một vùng rộng lớn của Việt Nam bao gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai và Yên Bái. Đây là nơi có những nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn rất đa dạng và phong phú với cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, văn hóa đặc sắc, lịch sử hào hùng để phát triển du lịch. Bên cạnh đó một số tỉnh Tây Bắc còn tiếp giáp với các tỉnh Hà Giang và Phú Thọ đã tạo nên một vùng cung Tây Bắc mở rộng với các sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn của từng địa phương thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế.

cungtaybAC.png

Mùa vàng trên một khu ruộng bậc thang của Vùng Tây Bắc hùng vỹ

Hòa Bình là tỉnh miền núi nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, nằm trong quy hoạch vùng thủ đô, trung tâm du lịch quan trọng của cả nước. Có tuyến đường bộ quốc lộ 6 và đường thủy trên sông Đà chảy qua thuận lợi cho phát triển du lịch. Hòa Bình là một vùng đất cổ, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông với những giá trị nhân văn đa dạng, phong phú. Nơi được đặt tên cho nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng, quê hương của Sử thi “Đẻ đất - Đẻ nước”; với hơn 100 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và  cấp tỉnh. Đây còn là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của các dân tộc cùng với những lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc gắn với nông nghiệp nổi tiếng như: Lễ hội Chiêng người Mường, Lễ hội Chùa Tiên, Lễ hội Khai hạ Mường Bi, Lễ hội Đền Bờ, Lễ hội Xên Mường người Thái...

Tài nguyên thiên nhiên Hòa Bình rất phong phú, địa hình đồi núi hùng vĩ với nhiều hang động đá vôi đẹp như: Quần thể hang động Núi đầu Rồng, huyện Cao Phong; quần thể hang động khu di tích Chùa Tiên, huyện Lạc Thủy; động Ngòi Hoa và động Nam Sơn huyện Tân Lạc; động Trung Sơn, huyện Lương Sơn,... Các Khu bảo tồn thiên nhiên nơi có những loài động, thực vật quý còn được bảo tồn và đang được khai thác những tuyến du lịch mạo hiểm như: dù lượn, leo núi, du lịch giải trí đi bộ, tắm suối. Đặc biệt, hồ Hòa Bình - nơi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là Khu du lịch quốc gia có diện tích mặt nước khoảng 8.000 ha, dung tích gần 9,5 tỷ m3, với hàng trăm đảo nổi và bán đảo tạo nên phong cảnh non nước hữu tình.... là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch.

Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, với vị trí địa lý tiếp cận với Hà Nội và các tỉnh trong khu vực Tây Bắc nhờ hệ thống giao thông thuận lợi cùng với lợi thế về tài nguyên tự nhiên và nhân văn Hòa Bình có điều kiện, cơ hội để phát triển du lịch. Cùng với tiến trình phát triển của du lịch cả nước, du lịch tỉnh Hòa Bình đã tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn. Hiện nay tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được nhiều các loại hình du lịch cụ thể như sau:

Đối với loại hình Du lịch văn hóa tâm linh: Tỉnh Hòa Bình đã có những điểm du lịch tâm linh như đền Thác Bờ và động Thác Bờ trên Khu du lịch hồ Hòa Bình; Quần thể di tích hang động núi đầu rồng và đền Thượng Bồng Lai thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong; Quần thể hang động khu vực Chùa Tiên xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy)…

Đối với loại hình Du lịch cộng đồng: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều các điểm du lịch cộng đồng với hơn 300 homestay như bản Lác, bản Văn, bản Poom Coọng, bản Bước, bản Hịch trên địa bàn huyện Mai Châu; bản Ngòi, bản Ải, bản Chiến triên địa bàn huyện Tân Lạc; bản Ké, bản Sưng, bản Đá Bia thuộc huyện Đà Bắc. Đây là các bản của người dân tộc Mường, Thái, Dao và Mông còn giữ gìn được từ kiến trúc cảnh quan đến phong tục tập quán lối sống đang thu hút được nhiều du khách quốc tế đến tham quan, nghỉ ngơi và trải nghiệm cuộc sống cùng với bà con địa phương.

Đối với loại hình Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng: Hòa Bình đã có hơn 70 điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đặc sắc hấp dẫn: Mai Chau Hide away, Mai Châu Ecolodge, Bakhan Village Resort, Avana retreat tại huyện Mai Châu; Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Dụ và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Sun set tại huyện Lương Sơn; An Lạc Farm, V’resort và Serena Resort huyện Kim Bôi... Đây là những khu nghỉ dưỡng sinh thái tương đối cao cấp, có cảnh quan thiên nhiên khí hậu trong lành đáp ứng nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng của nhiều du khách.

MACHAICAYAA.png

Mai Châu Hide away một điểm nghỉ dưỡng sinh thái hấp dẫn

trên Khu du lịch hồ Hòa Bình

Đối với loại hình lịch thể thao: Tỉnh Hòa Bình đã có 2 sân golf đạt tiêu tiêu chuẩn quốc tế gồm sân Golf Phượng Hoàng 54 lỗ tại huyện Lương Sơn và sân Hilltop Valley Golf Club 18 lỗ tại thành phố Hòa Bình thu hút được nhiều du khách chơi golf; đặc biệt đã tổ chức nhiều giải golf trong nước và quốc tế. Tỉnh có một số điểm bay dù lượn tại xã Phúc Tiến, thành phố Hòa Bình và điểm bay tại Bái Nhạ thuộc huyện Lạc Sơn. Trên Khu du lịch hồ Hòa Bình đã có khu công viên nước tại xóm Ngòi, xã Suối Hoa với trên 130 trò chơi có các các loại xuồng, mô tô nước, thuyền cao tốc chất lượng cao thu hút được nhiều du khách.

Trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay, xu hướng liên kết là một quy luật tất yếu của sự phát triển. Liên kết chính là phương châm cho sự phát triển du lịch trong giai đoạn tới nhằm đón đầu xu hướng thế giới dịch chuyển nguồn khách du lịch từ châu Âu sang châu Á. Việc liên kết vùng khiến sản phẩm du lịch có thể tận dụng được nhiều thế mạnh, nâng cao tính cạnh tranh và có độ bền vững cao. Tuy nhiên, việc liên kết vùng trong du lịch yêu cầu các thành phần liên kết cần thuận lợi về không gian lãnh thổ và điểm tương đồng về tài nguyên để có thể phát huy điểm mạnh và tận dụng tối đa các tài nguyên du lịch cũng như cơ sở vật chất đáp ứng cho sản phẩm du lịch. Để phát huy lợi thế, vai trò của Tỉnh Hòa Bình nằm ở cửa ngõ Tây Bắc trong hình thành tuyến liên kết sản phẩm du lịch các tỉnh Tây Bắc mở rộng và vòng cung Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch thì đã và đang thực hiện một số nội dung công việc cụ thể như sau:

Thứ nhất: Xác định được các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế có nhu cầu đến tỉnh Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng; Đối với thị trường nội địa, tập trung vào thị trường khách đến từ thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh tỉnh, thành khu vực Bắc bộ có số lượng lớn du khách muốn đến các tỉnh Tây Bắc. Đối với thị trường khách quốc tế, tập trung khai thác các thị trường truyền thống là các nước thuộc EU; mở rộng thị trường khác như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường Asean.

Thứ hai: Hòa Bình tập trung xây dựng xây dựng sản phẩm đa dạng mang tính cạnh tranh để thu hút mọi đối tượng khách.

Dựa vào lợi thế tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, vị trí là nơi trung chuyển khách từ Hà Nội và đồng bằng Bắc bộ lên cung đường Tây Bắc rộng lớn, tỉnh Hòa Bình đã và đang xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với mọi đối tượng khách, từ bình dân đến cao cấp. Các khu du lịch như Khu du lịch Hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu đã đầu tư nhiều loại hình du lịch như du lich sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao. Hòa Bình đã có những điểm đến, đặc trưng để thu hút khách theo các tuyến như: hai sân Golf Phượng Hoàng (huyện Lương Sơn) và sân Hilltop Valley Golf Club (thành phố Hòa Bình); Một số điểm sinh thái đến trên khu du lịch hồ Hòa Bình thuộc huyện Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc thì có các khu nghỉ dưỡng, điểm vui chơi khám phá như: Công viên di sản các nhà Khoa học Việt Nam, công viên nước trên hồ Hòa Bình, các điểm di tích Đền Bờ, động Thác Bờ, Mai Đà Resort, Mai Chau Hideaway, Ba Khan Village Resort; Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Kim Bôi hiện đã có V’Resort, Serena Resort...;

Thứ ba: Hòa Bình đã xây dựng các chương trình du lịch cụ thể để kết nối với các tỉnh vùng Tây Bắc

Xây dựng các Chương trình du lịch riêng dành cho khách quốc tế và khách nội địa; trong đó xây dựng cả tuyến du lịch đường bộ và đường thủy trên sông Đà.  Xây dựng các Chương trình du lịch chuyên đề: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Trong đó đã phối hợp với các tỉnh Tây Bắc mở rộng để lựa chọn các điểm đến cũng như các sản phẩm du lịch của các tỉnh và tổ chức chuyến khảo sát mời các công ty lữ hành tham dự.

Thứ tư: Với vai trò là tỉnh của ngõ phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, tỉnh Hòa Bình đang đầu tư nghiên cứu quy hoạch vùng và quy hoạch các điểm, tuyến du lịch của tỉnh, từ đó tìm và tạo ra sản phẩm du lịch có chất lượng, mang bản sắc riêng của địa phương để xây dựng thế mạnh liên kết. Các khu, điểm du lịch cần được quy hoạch thống nhất, không xây dựng tràn lan, tránh sự trùng lặp về sản phẩm du lịch. Trong mỗi khu du lịch cần phát huy tài nguyên du lịch riêng, sắc thái riêng của từng địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù. Hòa Bình đang phấn đấu đến năm 2030, phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc.

Bài 2 - Nâng tầm du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) -  Sau giấc ngủ dài, những nàng công chúa ven hồ Hòa Bình được đánh thức bằng những chuyến tàu chở khách du lịch ghé thăm. Các xã: Suối Hoa, Tiền Phong, Hiền Lương… trở nên tấp nập, nhộn nhịp. Chủ và khách cùng đồng hành trong hành trình khám phá, chinh phục non nước, núi rừng và tìm hiểu sự độc đáo trong nền văn hóa Hòa Bình. 

 138771 88240612 1557760864371113 1796237726429741056 n

Khu du lịch cộng đồng Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) là điểm đến lý tưởng, thu hút số lượng lớn khách nước ngoài tới khám phá. 
 
Tạo đà để du lịch cất cánh
 
Những chủ trương, đường lối phát triển du lịch là điểm tựa quan trọng giúp du lịch hồ Hòa Bình phát triển. Ngày 1/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1528/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Theo đó, KDL quốc gia hồ Hòa Bình nằm trên địa bàn TP Hòa Bình và 4 huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu.
 
Để thúc đẩy nhanh sự phát triển của KDL quốc gia hồ Hòa Bình, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU về phát triển KDL hồ Hòa Bình thành KDL quốc gia, trong đó đặt mục tiêu: Đến năm 2020, xây dựng KDL hồ Hòa Bình bước đầu đáp ứng các điều kiện trở thành KDL quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản đạt các điều kiện trở thành KDL quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, KDL hồ Hòa Bình trở thành KDL quốc gia có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, phong phú, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; trở thành trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh; là 1 trong 12 KDL trọng tâm của vùng trung du miền núi Bắc Bộ với sản phẩm đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ. Từ Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU, các huyện, thành phố ban hành các nghị quyết, văn bản định hướng phát triển du lịch tại các địa phương nằm trong quy hoạch KDL quốc gia hồ Hòa Bình. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự tham gia tích cực của các sở, ngành, KDL quốc gia hồ Hòa Bình đã thu hút được nhiều dự án quan trọng, góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân vùng hồ.
 
Hiện nay, có 8 dự án đầu tư vào KDL hồ Hòa Bình với tổng số vốn lên tới hơn 2.400 tỷ đồng, gồm: dự án du lịch sinh thái Ba Khan, dự án khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình, dự án khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa…
 
Ông Vũ Duy Bổng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Hòa Bình chia sẻ: Công ty chúng tôi xác định hồ Hòa Bình có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Chính vì vậy, qua nghiên cứu, khảo sát Công ty CP Du lịch Hòa Bình tập trung nguồn lực đầu tư một số dự án trọng điểm trong KDL quốc gia hồ Hòa Bình. Trong đó, dự án KDL bản Ngòi đi vào hoạt động đạt tiêu chuẩn đón khách trong nước và quốc tế, tạo việc làm ổn định cho hàng chục hộ dân trong bản. Công viên nước nổi tại bản Ngòi với 34 cụm trò chơi kết cấu phao nổi trên mặt nước và các môn thể thao dưới nước đã được khai trương. Hiện nay, Công ty đang triển khai dự án KDL thiên nhiên Robinson tại đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc). Đây là dự án quan trọng của KDL quốc gia hồ Hòa Bình gồm các hạng mục chính: nhà điều hành, biệt thự, khách sạn, bể bơi, trung tâm spa… Trong tương lai, KDL Robinson hứa hẹn là điểm nhấn trên hồ Hòa Bình.
 
 Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 kết nối quốc lộ 6 tới cảng Bình Thanh, cảng Thung Nai (Cao Phong) và vịnh Ngòi Hoa (Tân Lạc); xây dựng cảng du lịch vịnh Ngòi Hòa theo tiêu chuẩn cấp II tại vị trí cuối tuyến. Cảng rộng 4 ha, phần mặt bằng xây dựng công trình 2 ha, phần vùng mặt nước 2 ha. Cảng được thiết kế đồng bộ các hạng mục như: nhà chờ khách, nhà điều hành, bãi đỗ xe, hệ thống điện chiếu sáng… đủ năng lực đón 12 vạn khách/năm, tàu tải trọng 300 khách... tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến thăm quan khu vực vịnh Ngòi Hoa trên KDL hồ Hòa Bình. Trong KDL hồ Hòa Bình có khoảng trên 300 tàu, thuyền vận chuyển khách du lịch, trong đó, gần 100 tàu, thuyền đủ điều kiện đã được đăng kiểm phục vụ vận chuyển khách du lịch. KDL hồ Hòa Bình hiện có 1 khách sạn dự kiến công nhận hạng 2 sao; 2 nhà nghỉ và hơn 20 nhà nghỉ cộng đồng tại xóm Ké, xóm Đức Phong, xóm Sưng, huyện Đà Bắc và xóm Ngòi, huyện Tân Lạc.
 
Khẳng định thương hiệu điểm đến lý tưởng
 
KDL quốc gia hồ Hòa Bình tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và độc đáo như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao, du lịch vui chơi giải trí trên mặt hồ, du lịch tâm linh…
 
Để phát triển du lịch, người dân bản Ngòi, xóm Ké, xóm Đức Phong... luôn ý thức được việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Người dân nơi đây mến khách, sống chan hòa với thiên nhiên. Phong tục, tập quán cổ xưa của người Mường được giữ gìn qua từng nếp nhà sàn, làn điệu dân ca Mường, màn diễn xướng Mo Mường hay màn trình diễn chiêng Mường đặc sắc của các mế, các chị… Không chỉ có vậy, du khách còn được trực tiếp tham gia các hoạt động trải nghiệm cùng người dân như: nuôi cá lồng, bắt cá trên sông Đà; khám phá những hang động karst, đi rừng, đua bè mảng, chèo thuyền kayak... Dường như ranh giới giữa chủ và khách không còn, tất cả cùng vào bếp chế biến món ăn truyền thống của người Mường như: cá nướng, gà nấu măng chua, xôi ngũ sắc... Khi màn đêm buông xuống, họ lại tay trong tay bên đống lửa nhảy sạp, uống rượu cần.
 
Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định: Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều dự án được đầu tư vào KDL quốc gia hồ Hòa Bình góp phần thu hút lượng lớn khách du lịch tới khám phá các điểm du lịch trên KDL quốc gia hồ Hòa Bình. Từng là một ốc đảo ít người biết đến nhưng giờ đây bản Ngòi, xóm Đức Phong, xóm Ké, xóm Sưng là những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh. Đặc biệt, KDL cộng đồng Đá Bia là 1 trong 3 KDL của cả nước đạt giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN năm 2018. Giải thưởng đã khẳng định chất lượng, sự chuyên nghiệp của khu du lịch cộng đồng Đá Bia đạt tiêu chuẩn ASEAN.
 
Từ khi được quy hoạch là KDL quốc gia, KDL hồ Hòa Bình đã khẳng định được vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam. Số lượng khách trong nước và quốc tế đến hồ Hòa Bình tăng nhanh. Năm 2016, KDL quốc gia hồ Hòa Bình thu hút 447.000 lượt người, trong đó, khách quốc tế 208.000 lượt người, khách nội địa 239.000 lượt người; tổng thu từ du lịch 142 tỷ đồng. Năm 2019 đón 579.000 lượt người (khách quốc tế 266.000 lượt người, khách nội địa 313.000 lượt người); tổng thu từ du lịch đạt 282 tỷ đồng.
 
 "Từ cảng Bích Hạ đoàn chúng tôi đến khám phá Đá Bia, khi thuyền sắp cập bến xa xa tôi đã nhìn thấy những cô gái duyên dáng trong bộ trang phục dân tộc đánh chiêng chào đón du khách. 2 ngày ở Đá Bia thật ngắn nhưng tôi đã được thư giãn và trải nghiệm cuộc sống của người Mường Ao Tá. Nơi đây còn giữ được nguyên vẹn những gì thuộc về tự nhiên. Tôi cùng đoàn trải nghiệm các dịch vụ đạp xe, đi bộ thăm bản, phục vụ ăn uống tại nhà dân. Điều khiến tôi ấn tượng nhất tại Đá Bia là mặc dù chỉ có 5 hộ làm du lịch nhưng tất cả người dân trong xóm đều tham gia hoạt động du lịch. Người dân thân thiện, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và luôn có ý thức bảo vệ môi trường" - chị Tô Phương Quỳnh, TP Hải Phòng chia sẻ.
 
Nhờ sự phát triển của du lịch mà những vùng đất khó ven hồ đổi thay, đời sống KT-XH các xã: Suối Hoa, Tiền Phong, Hiền Lương, Cao Sơn… được nâng cao. Nông sản, hàng hóa của người dân vùng hồ được khách du lịch ưa chuộng quảng bá; tình hình ANTT ổn định; giao thông được cải thiện... Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của các xã như Tiền Phong, Hiền Lương tăng lên 18 - 23 triệu đồng.  
 
 Trong thời gian tới, để KDL quốc gia hồ Hòa Bình tiếp tục khẳng định là điểm đến lý tưởng, tỉnh cần tăng cường công tác tuyên tuyền nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch; xây dựng chính sách, thu hút đầu tư phát triển du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp; tăng cường công tác quảng bá du lịch…
 
 
 Thu Thủy

(HBĐT) - Yên Thủy là địa phương có nhiều đình, chùa nổi tiếng như: chùa Tác Đức, chùa Hang, đình Xàm, đình Phủ Vệ, đình Thượng, đình Trung... Những sự tích, huyền thoại về đình, chùa tại Yên Thủy hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

dt 14220201145 img 5490

Chùa Hang, xã Yên Trị (Yên Thủy) là điểm đến hấp dẫn của nhiều phật tử, người dân trong và ngoài tỉnh.

Chùa Tác Đức tọa tại xóm Đình A, xã Lạc Thịnh là ngôi chùa cổ mà các phật tử đều mong muốn được một lần tới chiêm bái. Vào ngày lễ Phật Đản, Vu lan báo hiếu, dịp đầu năm..., chùa Tác Đức trở thành điểm đến của nhiều phật tử, người dân trong và ngoài tỉnh đến lễ phật, cầu bình an. Ngôi chùa đã cùng con dân đất Mường trải qua nhiều biến cố lịch sử. Xưa kia, chùa được dựng bằng tranh, tre, mái lợp gianh, thờ duy nhất một cột đá (người Mường gọi là bụt mọc). Giữa thế kỷ XX, chùa được người dân dựng lại bằng gỗ, mái lợp ngói. Các cột của chùa được làm bằng gỗ lim. Cột được chôn dưới đất như chân nhà sàn của người Mường. Trong chùa có một ban thờ trên thờ cột đá… Trải qua những năm tháng chiến tranh, hòa bình lập lại, năm 1990, người dân trong vùng đóng góp và xây dựng lại chùa. Ngôi chùa có kết cấu kiểu chuôi vồ, gồm nhà tiền đường và thượng điện. Trước và sau chùa đều có cây cổ thụ vài trăm năm tuổi quanh năm tươi tốt, tạo không gian yên bình, thanh tịnh.

Hiện nay, huyện Yên Thủy có 12 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh. Nhận thấy vị trí, tầm quan trọng của các di tích, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông vào các khu di tích để tạo điều kiện cho người dân, du khách thập phương đến thăm quan, chiêm bái được thuận tiện hơn; trùng tu tôn tạo di tích để thu hút khách du lịch. Trong năm 2019, bằng nguồn vốn và nguồn xã hội hóa, huyện Yên Thủy đã đầu tư xây dựng nhà đại bái đình Thượng, xã Yên Trị với tổng mức đầu tư trên 1,5 tỷ đồng; tu sửa đình Thung - phủ thung xã Ngọc Lương với tổng mức đầu tư trên 100 triệu đồng; tu sửa đình Trung, xã Yên Trị với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.

Đồng chí Bùi Trọng Thủy, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện cho biết: Nhằm khai thác giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND, ngày 21/4/2017 về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Yên Thủy đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung huy động mọi nguồn lực, hợp tác đầu tư phát triển các hoạt động du lịch theo hướng văn minh, hiện đại; phát triển du lịch gắn kết với làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Tích cực xây dựng những tuyến du lịch hợp lý. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch có chuyên môn cao. Qua đó, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá, lịch sử, đồng thời đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả.

Năm 2019, Yên Thủy trở thành điểm đến lý tưởng của những người đam mê nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng. Trong năm, huyện đón 34.000 lượt khách đếm thăm quan, trong đó, khách nội địa 33.800 lượt người, khách quốc tế 200 lượt người; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 12 tỷ đồng. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện; không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, cởi mở để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Thu Thủy

(HBĐT) - Đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc) là một trong những đảo được xem là đẹp nhất khu vực hồ Hòa Bình. Đảo có tổng diện tích 133 ha, nằm giữa vùng lõi trong quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.
dt 21220201040 z5
Nhà đón tiếp khách Khu du lịch thiên nhiên Robinson - đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc) được xây dựng 100% che luồng tự nhiên. 
 
Đảo Sung cách TP Hòa Bình khoảng 30 km đường thủy. Đảo nằm giữa hồ nước mênh mông như một bức tranh thiên nhiên vô cùng hấp dẫn, có thể chinh phục và làm say đắm bất cứ ai yêu thiên thiên, mây nước. Chúng tôi trở lại thăm, khám phá đảo Sung vào những ngày đầu năm. Mặt hồ buổi sớm khá phẳng lặng, gió lùa, sóng nước lăn tăn. Càng tiến sâu vào lòng hồ, gió càng lộng, không gian mở ra trong sương sớm. Nước hồ trong xanh hòa cùng màu xanh của núi đẹp mê hồn. Qua xóm Bích, Trụ đến Cửa Chương thuộc địa phận xã Hiền Lương (Đà Bắc), lòng hồ mở ra rộng lớn vô cùng. Từ mặt hồ mênh mang nhìn về đảo Sung thấy được lớp lớp khối đá vôi chỗ trắng, chỗ xanh, những cây cổ thụ mọc thẳng trên đá giữa trời xanh mây trắng. Vượt qua dãy núi đá vôi, tiến vào bên trong là một vùng thung lũng rộng lớn, gần như bằng phẳng, những trảng hoa dại tím biếc tạo thành thảm hoa kéo dài ngút mắt. Chính vì vẻ đẹp riêng có, đảo Sung được quy hoạch nằm trong vùng lõi khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình và đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.  
 
Nhận thức tiềm năng của đảo Sung, Công ty CP Đầu tư Du lịch Hòa Bình đã đề xuất, khởi động dự án Khu du lịch thiên nhiên Robinson tại đảo Sung. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư. Mục tiêu của dự án sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, hướng tới phân khúc khách có thu nhập cao và du khách quốc tế. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Du lịch Hòa Bình Vũ Duy Bổng cho biết: Để đầu tư một khu du lịch chất lượng cao khai thác tiềm năng, lợi thế của đảo Sung, Hội đồng quản trị công ty đã quyết định đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án từ 279 tỷ đồng lên 891 tỷ đồng. Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 phấn đấu đến quý IV/2020 hoàn thành công trình nhà lễ tân, nhà hàng, khu thể thao và 108 phòng ngủ, trong đó có 88 phòng ngủ đạt tiêu chuẩn 5 sao, 20 phòng ngủ tiêu chuẩn 4 sao, khoảng 50% khối lượng của dự án đưa vào khai thác sử dụng. Giai đoạn 2 thực hiện từ quý I đến quý IV/2021, hoàn thành 100% khối lượng dự án. Các biệt thự, công trình sẽ bảo đảm hài hòa và giữ được cảnh quan thiên nhiên của đảo Sung. Công ty đã làm việc với các đối tác tư vấn, thiết kế uy tín trong nước, quốc tế để quy hoạch thiết kế các hạng mục và đang triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục bảo đảm chất lượng, đưa tiến độ khai thác bảo đảm kế hoạch đề ra. Theo quy hoạch, Khu du lịch thiên nhiên Robinson - đảo Sung sẽ được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm hài hòa với thiên nhiên, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của đảo Sung, phát huy các giá trị cảnh quan, văn hóa, thiên nhiên vùng hồ Hòa Bình.
 
Cùng với dự án Khu du lịch thiên nhiên Robinson - đảo Sung của Công ty CP Đầu tư du lịch Hòa Bình, nhiều nhà đầu tư cũng đang triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch khu vực hồ Hòa Bình, khả thi trong tương lai sẽ hình thành những sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương triển khai giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu, triển khai đầu tư vào khu du lịch hồ Hòa Bình, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc, phát triển sản phẩm du lịch hỗ trợ… Xây dựng khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, phong phú, có thương hiệu, đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Hoà Bình; trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, là 1 trong 12 khu du lịch trọng tâm của vùng trung du miền núi Bắc Bộ. 
 
Lê Chung
(HBĐT) - Thác Trăng, xã Do Nhân (Tân Lạc) được biết đến là một trong những thác nước đẹp của tỉnh. Nhìn từ xa đã thấy thác nước từ trên cao chảy xuống tung bọt trắng xóa tựa như một dải lụa trắng. Có người đã ví: đứng từ xa chiêm ngưỡng, thác Trăng đẹp giống như nàng công chúa ngủ quên trong rừng.

dt 14220201149 img 8966

Du khách thích thú khi đến thăm quan và trải nghiệm tại thác Trăng (Tân Lạc).

Theo các cụ cao niên trong vùng truyền lại, thác Trăng có từ lâu lắm rồi. Có lẽ từ thời đẻ đất, đẻ nước. Dòng suối Trăng bắt nguồn từ núi Bó Bụt, thuộc dãy núi đá hùng vĩ của xã Do Nhân. Tại đây có 2 mạch nước ngầm lớn từ lòng núi phun lên. Nước từ đây chảy xuống, lọc qua khe đá, rễ cây rừng nên trong vắt. Hai mạch nước đổ thành những dòng suối nhỏ chảy dọc theo những thửa ruộng bậc thang rồi hợp thành dòng suối Trăng.

Suối Trăng chảy quanh co, xuôi về thung lũng bên dưới, qua địa hình gập ghềnh nơi cao, nơi thấp. Ở mỗi điểm địa hình phân bậc, dòng suối lại tạo ra một điểm thác. Đến với suối Trăng và thác Trăng, du khách sẽ cảm nhận được các vẻ đẹp riêng theo mùa. Khi mùa khô đến thác nước khoác lên mình vẻ đẹp dịu dàng, dòng thác như buông nhẹ xuống hồ nước trong xanh và suối chảy róc rách. Còn khi mùa mưa về, dòng thác mang vẻ đẹp hùng vĩ, dòng nước tuôn đổ ầm ầm, tung bọt trắng xóa.

Thác Trăng có tới 3 điểm thác, điều đó tạo ra những điều mới lạ, hấp dẫn, càng khám phá khiến càng hứng thú như bị hút hồn. Với dòng nước mát chảy mãi không ngừng, nơi đây được ví như chốn bồng lai, tiên cảnh giữa đại ngàn. Tại điểm thác thứ nhất, nước từ dòng suối chảy tràn trên lớp đá trầm tích, rồi từ độ cao 5 m đổ theo vách đá, tung bọt trắng xóa như vũ điệu của núi rừng. Đứng ở chân thác, du khách không khỏi ngới lời trầm trồ khen ngợi một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, những màn nước buông xuống tạo thành dải trắng xóa đẹp mắt, dòng nước mang theo luồng không khí đầy bụi nước. Ngay dưới chân thác có hồ nước sâu hơn 2 m. Phía dưới điểm thác thứ nhất, dòng suối hiền hòa chảy róc rách dưới tán cây. Theo dòng nước chảy về phía hạ nguồn khoảng 200 m hướng Đông Nam, điểm thác thứ 2 của thác Trăng hiện lên lấp lánh dưới ánh mặt trời. Nếu điểm thác thứ nhất được ví như một chàng trai khỏe khoắn, năng động thì điểm thác thứ hai tựa như một thiếu nữ e thẹn, giấu mình dưới bóng cây, không ào ạt mà nhẹ nhàng, đằm thắm. Tiếng nước chảy qua từng bậc đá, tiếng lá cây xào xạc và tiếng chim hót trong trẻo... tất cả như hòa vào nhau, tạo nên một bản nhạc sống động. Cũng như dưới chân điểm thác thứ nhất, ngay dưới chân điểm thác này sau bao năm nước chảy xuống đã tạo một bể bơi tự nhiên. Mực nước ở đây rất sâu và xanh. Vì vậy, du khách có thể nhảy xuống vùng vẫy thỏa thích trong dòng nước mát lành, tinh khiết.

Sau khi thỏa sức bơi lội với dòng nước trong xanh, du khách đi tiếp theo dòng suối đến điểm thác thứ 3. Đây là điểm thác đẹp nhất trên dòng suối Trăng - là nơi hội tụ của những dòng nước len lỏi trong những cánh rừng, triền ruộng bậc thang cách hàng km đổ về đây. Thác có vẻ đẹp nên thơ, với ngọn thác đổ xuống mạnh mẽ tạo thành một dải lụa trắng xóa đẹp tuyệt. Đến đây du khách như lạc vào một thế giới khác, một thế giới huyền ảo như chốn bồng lai tiên cảnh. Thác thứ 3 được chia thành 5 tầng, với độ lồi lõm và phân khúc nhìn thấy rõ. Vì vậy, vào mùa nước, thác chảy ầm ầm, tung bọt trắng xóa nhìn kỳ vĩ và đẹp mắt, nước chảy xuống qua 5 tầng vách đá uốn lượn tựa như một mái tóc tiên trải dài.

Thác nước ở tầng thứ nhất cao 3 m đổ xuống, tung bọt trắng xóa giữa màu xanh tươi mát của thiên nhiên. Ở tầng thứ 2, thứ 3 có độ dốc thoai thoải với những bậc lên xuống, nước chảy tuôn trào. Đến tầng thứ 4 và thứ 5, dòng nước uốn lượn, mài mòn từng phiến đá chênh vênh dưới tán cây cổ thụ, trong khung cảnh hoang sơ đẹp như một bức tranh thủy mặc. Ngoài vẻ đẹp hiếm có, điểm nhấn của điểm thác này chính là đoạn chân thác, sau bao năm nước chảy xuống đã tạo ra vịnh nước trong xanh giống một bể bơi tự nhiên khá rộng. Mực nước ở đây chỉ hơn 1 m nên du khách có thể thỏa sức bơi lội. Đây cũng là một trong những điểm tắm của du khách khi đến thăm thác Trăng. Đắm mình trong làn nước trong xanh, mát lạnh, lắng tai nghe tiếng gió, tiếng nước, mọi mệt mỏi của tuyến đường dài, của cuộc sống như bị lãng quên.

Ghé thăm thác Trăng vào bất cứ thời điểm nào trong năm cũng đều khiến du khách hài lòng vì hầu như lúc nào nơi đây cũng đẹp, mê đắm lòng người. Mùa mưa ở thác Trăng kéo dài từ tháng 4 tới tháng 9. Đây là thời điểm nước thác cuồn cuộn, tung bọt trắng xóa vô cùng hùng vĩ. Từ tháng 10 đến tháng 3 là mùa khô, dòng nước hiền hòa, thanh bình hơn, các cung đường phượt cũng dễ đi lại hơn.

Cho đến nay, thác Trăng vẫn còn giữ nguyên vẹn nét hoang sơ. Cũng bởi vậy, nơi đây phù hợp với những ai thích phiêu lưu, đam mê khám phá. Du khách có thể đến và tận hưởng cảm giác thư thái, dễ chịu của một chuyến đi trở về với thiên nhiên, hòa mình và tận hưởng sự trong lành, khoáng đạt của núi rừng.

Hồng Ngọc